• :
  • :
Trường THPT Triệu Quang Phục nhiệt liệt hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia 10.10.2024
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TIẾN SĨ ĐINH ĐOÀN – CHUYÊN GIA TÂM LÍ VỚI BUỔI TRAO ĐỔI VỀ VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG NHÀ TRƯỜNG

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học là một hoạt động giáo dục hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của Nhà trường. Ngày 03/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018- 2025”. Mục tiêu chung là “Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Điều này cho thấy, văn hóa ứng xử trong trường học là vấn đề hết sức quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Là tiền đề hướng tới xây dựng thành công trường học Hạnh Phúc.

Thông điệp trong xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

 

Hiểu rõ vai trò và sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, chiều ngày 22/9/2023, trường THPT Triệu Quang Phục đã có buổi tập huấn, chia sẻ về việc xây dựng văn hóa ứng xử trong cơ quan với sự tham dự và chia sẻ của khách mời là Tiến sĩ Đinh Đoàn – chuyên gia tâm lí học, nguyên là nhà giáo, Hiệu trưởng của trường THCS Xã Đàn (Hà Nội).

Tiến sĩ Đinh Đoàn chia sẻ tại buổi tập huấn

 

Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Đinh Đoàn đã chia sẻ về cách ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử với lãnh đạo, ứng xử với học sinh và những yếu tố tạo nên văn hóa ứng xử theo nguyên tắc “Suy nghĩ tích cực – nói lời hay – làm việc tốt” và biểu hiện của văn hóa ứng xử: “Trang phục đẹp - Lời nói đẹp - Cử chỉ đẹp - Hành động đẹp – Chỗ ngồi đẹp”. Từ đó nêu rõ việc văn hóa ứng xử phải được hình thành từ trong suy nghĩ, sau đó thể hiện bằng lời nói, cử chỉ, nét mặt, hành động,…

Tiến sĩ Đinh Đoàn giao lưu với các thầy cô giáo trong nhà trường

 

 

 

Tiến sĩ Đinh Đoàn nhấn mạnh: “Văn hóa là thể tổng hòa những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Văn hóa ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Văn hóa ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của từng cá nhân trong giao tiếp xã hội. Văn hóa ứng xử học đường thực chất là đề cập đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của giáo viên, học sinh, sinh viên trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Đó là yếu tố rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục học sinh, sinh viên”.

Thực tế thời gian qua trong ngành giáo dục đã xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc do cách ứng xử, hành xử chưa đúng mực, nóng vội của cả thầy và trò, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của nhà trường, thầy cô trong mắt các bậc phụ huynh và xã hội. Văn hóa ứng xử có vai trò rất lớn, cần xem và đặt nó thành ý thức đi sâu của mỗi cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên trong nhà trường bằng nhiều hình thức, phương pháp, cụ thể linh hoạt và mềm dẻo. Buổi tập huấn cũng đi vào giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ những khó khăn của các thầy cô trong mối quan hệ với đồng nghiệp, với học sinh và ứng xử với phụ huynh học sinh.

Đ/c Đỗ Xuân Vượng - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi tập huấn

 

Buổi tập huấn kết thúc đã để lại nhiều cảm xúc khó tả. Các thầy cô giáo đã được khơi gợi, hiểu và nhận thức sâu sắc sự cần thiết của văn hóa ứng xử sư phạm, có những định hướng nhất định cho bản thân trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhà giáo và kiềm chế cảm xúc của bản thân trước những tình huống sư phạm. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, xây dựng hình ảnh nhà trường thân thiện, biết tôn trọng và yêu thương nhiều hơn! 


Tác giả: Lê Dinh
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website