• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lớp 10A1 hoạt động ngoài giờ lên lớp với chủ đề: "Thanh niên với sự nghiệp phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc"

Bản sắc văn hóa là thiêng liêng, quý giá, nó tạo nên cái đặc thù của một dân tộc. Nó được hình thành trong lịch sử lâu dài của một dân tộc, được đúc kết từ kinh nghiệm sống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó máu thịt với con người. Nó tồn tại tự nhiên không thể ép buộc nhưng đòi hỏi phải biết giữ gìn, bảo lưu. Nó có thể được biểu hiện ra bề ngoài nhưng cũng có thể ẩn sâu trong tâm hồn con người.

 

 Bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện qua các phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống hay cách ứng xử, sinh hoạt hằng ngày. Nó là những thứ tinh túy nhất, chắt lọc và đẹp đẽ nhất mà thế hệ cha ông ta đã dày công xây dựng, phát huy và gìn giữ trong xuyên suốt thời gian dựng nước và giữ nước.

 Bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ góp phần tạo nên vẻ đẹp, nét đặc trưng của một dân tộc mà nó còn góp phần không ít trong việc phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh và thanh bình như ngày nay.

 Tuy nhiên, trong thời đại mới hiện nay, khi toàn cầu có xu hướng hội nhập, đất nước không ngừng đổi mới và phát triển thì con người cũng đã có những sự đổi thay và xã hội cũng vậy. Do vậy, bản sắc văn hóa dân tộc vốn vô cùng đẹp đẽ kia đã dần một mai một dần đi. Nếu chúng ta không nhanh chóng nhận ra và bảo tồn nó, gìn giữ nó thì chỉ mai nay thôi, những kết tinh đẹp đẽ này mãi mãi không còn nữa và không thể gây dựng lại nữa.

 Là những học sinh, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng em cũng đã kịp nhận ra điều đó và sẽ cố gắng hội nhập một cách có chọn lọc và không để mất đi bản sắc văn hóa dân tộc của mình.

 Cũng để hưởng ứng phong trào “Thanh niên trong công cuộc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, cô và trò lớp 10a1 đã cùng nhau tổ chức buổi ngoại khóa ngoài giờ lên lớp với một đề tài vô cùng thú vị và ý nghĩa là “Cuộc thi bày mâm ngũ quả”.

 

 

Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật, được nhắc đến trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra) với hình ảnh "trái cây năm màu". 5 màu tượng trưng cho "ngũ thiện căn" theo quan niệm nhà Phật, gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).

Tại sao lại là 5 loại quả mà không phải là con số nào khác? Trong văn hóa phương Đông, nhiều quy luật tự nhiên được gắn với chữ "Ngũ" như ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng... Số 5 tượng trưng cho sự sống, sự đầy đủ và 5 loại quả cũng ứng với thuyết ngũ hành.

Việc bày mâm ngũ quả ngày Tết mang ý nghĩa bày tỏ tấm lòng thành kính với các bậc tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Quả cũng tượng trưng cho thành quả lao động cả năm của con cháu dâng lên các bậc bề trên.

Việc lựa chọn 5 loại quả bày lên mâm ngũ quả tùy thuộc vào quan niệm văn hóa cũng như đặc trưng về sản vật của các vùng miền. Mỗi loại quả có những ý nghĩa riêng, thể hiện qua hình dáng, hương vị, màu sắc hay thậm chí là cả cách đọc tên.

Mâm ngũ quả là vật không thể thiếu trên bàn thờ mỗi gia đình trong những ngày Tết.

Ý nghĩa một số loại quả trong mâm ngũ quả

Chuối xanh: Màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.

Quả phật thủ: Phật thủ có hình dạng đặc biệt tựa như những bàn tay của Phật, che chởm bảo vệ cho gia đình. Phật thủ thường được đặt ở trung tâm, nơi cao nhất trong mâm ngũ quả.

Quýt/quất: Theo âm Hán của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Bưởi: Phúc lộc, viên mãn.

Xoài: Cầu mong không thiếu thốn.

Thanh long: Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ, tượng trưng cho sự cát tường, thịnh vượng.

Sung: Với mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, sung mãn về sức khỏe, hay tiền bạc

Đu đủ: Là biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.

Nhờ sự tham gia nhiệt tình của tất cả thành viên trong lớp cùng sự động viên của cô Đặng Thanh Hải – GVCN của lớp, buổi ngoại khóa thành công tốt đẹp và thu về được kết quả ý nghĩa. Tất cả 100% thành viên trong lớp đã biết thêm và hiểu rõ về mâm ngũ quả ngày tết cũng như góp 1 phần vào công cuộc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Phùng Thị Trà My, 10A1


Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website