• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lớp 10A1 hoạt động ngoại khóa: “Thi gói bánh chưng”

Ngày19/01/2019, vào tiết sinh hoạt cuối tuần, tập thể lớp 10A1 đã có hoạt động ngoài giờ lên lớp vô cùng thiết thực và đầy ý nghĩa. Với chủ đề “Thanh niên với sự nghiệp phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”, tổ 3 lớp 10A1 cùng với sự chỉ đạo của cô giáo Đặng Thanh Hải đã tổ chức cuộc thi: “Gói bánh chưng ngày Tết” với sự tham gia của tất cả thành viên trong lớp và ban giám khảo là cô giáo Đặng Thanh Hải.

 

 

Mở đầu buổi sinh hoạt , bạn dẫn chương trình Nguyễn Thị Minh Tâm đã đem đến cho cả lớp bầu không khí háo hức, náo nức của ngày Tết khi đưa ra hình ảnh về mâm ngũ quả, lì xì , mai vàng,.. đặc biệt là hình ảnh của bánh chưng – món ăn không thể thiếu trong dịp lễ tết cổ truyền của người dân Việt Nam.

Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh.

Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt, dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ tết, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc, là cảm giác háo hức thời thơ bé ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong những ngày đầu năm mới.

Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày trọng đại, đặc biệt là ngày tết. Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh giầy. Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…

Chính vì vậy bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng xanh còn gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con người: nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín… là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an vui xóm làng

Ngày nay, truyền thống tự làm bánh chưng giảm dần ở Việt Nam khi quy mô của một gia đình điển hình nhỏ hơn và mọi người không có đủ thời gian để chuẩn bị và làm bánh chưng. Để hạn chế vấn đề đó, cô trò 10A1 đã tổ chức buổi sinh hoạt thi gói bánh chưng, nhằm việc không làm mờ đi truyền thống tốt đẹp này.

Tiếp sau đó là phần thi gói bánh giữa các tổ, cùng sự chuẩn bị chu đáo của tất cả các bạn. Từ những bàn tay khéo léo, các bạn đã làm ra cho mình những chiếc bánh thật xinh xắn, sáng tạo.

Sau buổi sinh hoạt này, các bạn đã cảm nhận rằng gói bánh chưng thực sự không khó như mình tưởng. Mọi bước làm bánh đều dễ dàng thực hiện, chỉ cần phối hợp một chút với sự khéo léo của mỗi người.

Để gói bánh chưng bước đầu tiên chúng ta cần chuần bị và sơ chế nguyên liệu. Nguyên liệu gồm: lá dong, lạt mềm dẻo, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn. Sau đó là bước sơ chế nguyên liệu:

1. Lá dong: trước khi gói bánh, ta ngâm lá khoảng 30 đến 45 phút để ráo nước rồi dùng dao cắt bớt phần gân lá cho dễ gói.

2. Gạo nếp: lọc bỏ sạn vo sát gạo. Ngâm trong nước muối từ 10 đến 12 tiếng trước khi gói (để bánh chưng đậm đà hơn bạn có thể nêm thêm 1 ít gia vị). Nếu muốn bánh có màu sắc thì trộn với nước cốt lá dứa, gấc, nghệ...

3. Đỗ xanh: ghiền vỡ hạt đỗ, ngâm trong nước từ 1 đến 2 giờ, sau đó đãi sạch vỏ.

Cách gói bánh chưng

Bước 1: Xếp 2 lá vuông góc với nhau có mặt phải úp xuống dưới, tiếp tục đặt 2 lá khác cũng vuông góc nhau lên trên nhưng mặt phải lại ngửa lên.

Bước 2: Cho một bát con gạo vào giữa phần lá mới xếp.

Bước 3: Đặt phần đỗ xanh đã nắm từ trước vào (hoặc cho một muôi to đỗ xanh sống) vào, sau đó đặt 1-2 miếng thịt ba chỉ đã được tẩm ướp lên. Tiếp tục cho 1 lớp đỗ xanh và cuối cùng là một bát gạo nếp phủ lên trên bao kín phần đỗ và thịt.

Bước 4: Lần lượt gấp các lá dong bên phải và trái trước. Lúc gấp phải chắc tay thì bánh chưng mới đẹp được. Giấu các mép thừa của lá vào bên trong, nếu thừa nhiều có thể dùng kéo cắt đi.

Bước 5: Dùng 2 ngón của mỗi tay bóp lá dong của phần trên vào trong, rồi gập lại trong khi các ngón cái vẫn giữ cố định phần lá đã gấp lúc trước. Làm tương tự với đầu còn lại.

Bước 6: Sau khi chiếc bánh đã được hình thành, dùng 4 chiếc lạt để buộc bánh, phần lạt thừa cài gọn gàng vào các lớp lạt. Bạn cũng có thể đặt 4 chiếc lạt ở dưới lá dong ngay từ bước đầu tiên để tránh cho bánh bị xô lệch khi buộc.

Vậy là chúng ta có thể hoàn thiện một chiếc bánh rồi. Việc tiếp theo của chúng ta là luộc chín bánh và thưởng thức thôi.

Bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón năm mới.

Nhờ sự tham gia nhiệt tình của tất cả thành viên trong lớp cùng sự động viên của cô Đặng Thanh Hải – GVCN của lớp, buổi ngoại khóa thành công tốt đẹp và thu về được kết quả ý nghĩa. Tất cả 100% thành viên trong lớp đã biết thêm và hiểu rõ về bánh chưng ngày tết cũng như góp 1 phần vào công cuộc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguyễn Hằng Nga - Nguyễn Thị Minh Tâm (10A1)


Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website