• :
  • :
Trường THPT Triệu Quang Phục nhiệt liệt hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia 10.10.2024
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ Văn - Công dân tổ chức Ngoại khóa văn học 2019: "Hát mãi khúc quân hành"

Thế kỉ XIX, ít có đất nước nào như Việt Nam, chỉ trong vòng 30 năm đã phải đương đầu với hai sen đầm quốc tế hùng mạnh: thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Đ chiến thắng kẻ thù, không còn sự lựa chọn nào khác, chúng ta sẵn sàng chấp nhận hi sinh tất cả vì chân lí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Suốt chiều dài lịch sử, hình ảnh người lính là biểu tượng cho vẻ đẹp cao cả, biểu tượng về một dân tộc bền gan vững chí trước thử thách sống còn.

Để tôn vinh và ca ngợi người lính trung kiên, quả cảm trong những trang sử vàng dân tộc, sáng thứ hai, 07/01/2019, các cô trong tổ Văn- Công dân đã tổ chức cho học sinh toàn trường ngoại khóa văn học với chủ đề Hát mãi khúc quân hành. Với sự tổ chức của các cô, học sinh toàn trường như được hòa mình vào không khí của những cuộc kháng chiến vĩ đại trong những năm chống Pháp, chống Mỹ và như được trải nghiệm cuộc sống lạc quan của người lính - anh bộ đội cụ Hồ. Những tiết mục văn nghệ đặc sắc, công phu, mang tính nghệ thuật cao, in đậm dấu ấn lịch sử. Các cô giáo và các em học sinh trường THPT Triệu Quang Phục đã cho khán giả sống lại không khí một thời đạn bom, đan xen hòa nhập quá khứ và hiện tại.

Đến dự buổi ngoại khóa có cô Lê Thị Nguyệt - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, các thầy cô trong Ban Giám hiệu, cùng toàn thể các thầy cô giáo và các em học sinh trường THPT Triệu Quang Phục.

Chương trình ngoại khóa văn học có bố cục 3 phần.  Phần 1: Chân dung người lính qua hai thời kì chống Pháp và chống Mỹ. Phần 2: Hiểu biết lịc sử. Phần 3: Hát tập thể Hát mãi khúc quân hành.

Mở đầu là màn biểu diễn như nhắc chúng ta nhớ về một nét đẹp văn hóa xưa rất đáng trân trọng. Khí thế, hào hùng, tiếng gọi dân tộc như khắc sâu vào tim mỗi người dân đất Việt. Hương xưa, hồn nay đã được thổi vào màn biểu diễn Múa cờ đậm chất cổ kính, hiện đại, mạnh mẽ và rất “Việt Nam”.

Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Đứng trước thử thách ngặt nghèo đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với lý tưởng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, những người lính đã sẵn sàng rời xa quê hương, xa gia đình để lên đường chiến đấu”. Những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi gác lại tuổi trẻ, tương lai, hạnh phúc, gác lại những mộng ước đẹp đẽ nhất của đời mình để lên đường vì lý tưởng cao đẹp.

Bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên đã khép lại thơ kháng chiến chống Pháp và người chiến sĩ vệ quốc, mở ra giai đoạn thơ ca mới. Cô Đào Thị Thúy qua lời ngâm truyền cảm đã làm sống dậy hình ảnh người chiến sĩ lớn nhất, sáng chói nhất.

Hoạt cảnh: đoàn quân ra trận, bài hát “Bài ca Trường Sơn” tố cáo: Chiến tranh là nguyên nhân chia li bao nhiêu gia đình, hủy hoại bao nhiêu mái ấm. Ai có thể hiểu được cảm xúc chia tay của người lính khi nhập ngũ? Niềm xúc động, bùi ngùi, cái “không nỡ” ấy được trao gửi qua những chiếc khăn. Tài năng, diễn xuất nhập vai của các học sinh đã tái hiện và như biến mình trở thành những người trong cuộc.

Buổi ngoại khóa đáng nhớ với hoạt cảnh kết hợp của hai tác phẩm: Những ngôi sao xa xôi, Bài thơ tiểu đội xe không kính. Chất hồn nhiên, mơ mộng, lạc quan, tinh nghịch của người lính luôn ẩn giấu vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn. Những lời tâm sự, những dòng nhật ký đầy “chất lửa” của người bác sĩ trẻ tuổi Đặng Thùy Trâm cùng câu chuyện về 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc đã được các em chuyển thể thành vở ca kịch Cúc ơi thật xúc động.

Có thể nói, tiết mục biểu diễn đặc sắc nhất, chính là màn đấu võ của tập thể học sinh khối 10 và khối 12. Những chàng trai như muốn truyền tải thông điệp: Tuổi trẻ hôm nay mạnh mẽ, tiếp nối lí tưởng và tinh thần quyết thắng của dân tộc.

Cuối cùng, khép lại buổi ngoại khóa là màn đồng ca của các cô tổ Văn –Công dân, học sinh trong ca khúc “Hát mãi khúc quân hành”. Tiếng hát vang vọng, như khẳng định ý thức tự tôn dân tộc. Những ánh mắt tự tin, như muốn viết tiếp câu chuyện ngàn đời.

Trong văn học, hình tượng người lính luôn mới thêm từng ngày, không đơn điệu, một màu như ta vẫn tưởng, không trượt dài theo những âm hưởng ngợi ca đã lùi vào dĩ vãng. Thơ viết về người lính là khúc vĩ thanh tráng ca phía trước thành khúc tiền tấu cho bản đàn của cuộc sống đời thường phía sau.

Chương trình ngoại khóa Hát mãi khúc quân hành đã thành công rực rỡ, để lại nhiều dư âm trong lòng thầy trò. Đây là hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực nhằm tuyên truyền, giáo dục cho học sinh những nhận thức sâu sắc về bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, bồi đắp cho các em lòng tự hào về đất nước anh hùng, từ đó quyết tâm phấn đấu học tốt, noi gương truyền thống anh bộ đội cụ Hồ để mai này đóng góp công sức dựng xây đất nước giàu mạnh.

Một số hình ảnh của buổi ngoại khóa xem tại đây

Lê Thanh Miện, Đỗ Thị Phương Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website