Đổi mới hình thức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp
Cô Lê Thị Nguyệt – Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục (Hưng Yên)- cho rằng: Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (GDNGLL) ở các trường phổ thông rất đa dạng và phong phú, thường diễn ra trong một không gian rộng, thời gian không cố định.
Do đó, muốn thu hút HS tham gia đầy đủ các hoạt động cần phải thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức hoạt động GDNGLL.
Lưu ý những hoạt động có sức cuốn hút với học sinh
Theo cô Lê Thị Nguyệt, cần tuỳ theo tính chất, mức độ của mỗi hoạt động, người hiệu trưởng xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện cho phù hợp.
Chẳng hạn, thông qua các đợt thi đua chào mừng những ngày lễ lớn trong năm, nhà trường kết hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, lồng ghép các cuộc thi nhỏ như thi tìm hiểu, thi hát theo chủ đề hoặc tham quan các di tích lịch sử…
Giờ chào cờ đầu tuần nên tổ chức thi thuyết trình theo chủ đề, nói chuyện chuyên đề, thi vấn đáp về các kiến thức khoa học nhằm giảm bớt tình trạng khô khan, căng thẳng và tính giáo dục thấp.
Giờ sinh hoạt 15 phút đầu buổi học cần có sự quản lí chặt chẽ và tạo cho HS sự say mê, hứng thú trong việc truy bài, sinh hoạt tập thể, trao đổi hoặc tranh luận các vấn đề khoa học…
Tiết sinh hoạt cuối tuần nên tìm những tư liệu có tính chất tư vấn về hôn nhân, gia đình, định hướng nghề nghiệp để GV chủ nhiệm kết hợp triển khai cho HS.
Các hình thức sinh hoạt khác như hoạt động TDTT, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt ngoại khoá, tham quan, du lịch… là những hoạt động mang tính tự nguyện cao, có sức hút với những HS có cùng sở thích, cùng nguyện vọng tham gia hoạt động.
Do đó, nhà trường cần bố trí kinh phí tương ứng để tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm góp phần củng cố và bổ sung kiến thức học trên lớp, rèn luyện, giáo dục năng khiếu, thể lực, giáo dục giới tính, mĩ thuật, hội hoạ… cho HS.
Tìm tòi hình thức hoạt động phù hợp, nâng cao kỹ năng cho giáo viên
Cô Lê Thị Nguyệt cho rằng, các hoạt động GDNGLL hiện nay rất phong phú, đòi hỏi người hiệu trưởng phải thường xuyên quan tâm, suy nghĩ, tìm tòi các hình thức hoạt động phù hợp với mục tiêu, đối tượng, thời gian, cơ sở vật chất, nguồn kinh phí, môi trường sư phạm và con người hiện có.
Nội dung và hình thức hoạt động phải bao hàm các mặt giáo dục đức, trí, thể, mĩ. Tiến trình tổ chức hoạt động phải hài hoà, khoa học và hợp lí, phải có bộ máy tổ chức, có kế hoạch, chương trình, hoạt động cụ thể, có nội dung hoạt động, có người phụ trách, có qui định lề lối làm việc, điều kiện hoạt động và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường.
Ngoài ra, việc bồi dưỡng kỹ năng tổ chức hoạt động GDNGLL cho cán bộ , GV, cán bộ lớp, cán bộ Đoàn cũng vô cùng quan trọng.
Nếu kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục của cán bộ GV, cán bộ lớp, cán bộ Đoàn không đổi mới, không có sự lôi cuốn, thiếu hứng thú thì chất lượng hoạt động GDNGLL sẽ không đạt được hiệu quả cao.
Để nâng cao hiệu quả việc bồi dưỡng các kỹ năng hoạt động GDNGLL cho cán bộ, GV, cán bộ Đoàn, lớp, cần dựa trên kế hoạch hoạt động chung của nhà trường, tổ chức các buổi tập huấn phù hợp với khả năng hiện có để đội ngũ này có điều kiện giao lưu, học tập, rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ.
Bồi dưỡng năng lực hoạt động cho HS
Cô Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh, trong bất kì một hoạt động ngoài giờ lên lớp nào cũng có hai đối tượng: Đối tượng tổ chức hoạt động và đối tượng tham gia hoạt động. Cả hai đều có vai trò quan trọng như nhau.
Song nếu đối tượng tham gia nhận thức không đầy đủ, không hứng thú, thiếu sự tự giác, chủ động, sáng tạo thì các hoạt động giáo dục khó có thể đạt được hiệu quả mong muốn. Vì vậy, việc bồi dưỡng năng lực hoạt động GDNGLL cho HS trong nhà trường phổ thông có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Để làm được điều đó, cần cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành thái độ, hành vi cho HS. Tạo điều kiện cho HS tham gia bàn bạc nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức trước khi tham gia các hoạt động, điều này sẽ giúp cho HS phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo, tự giác và có hứng thú khi tham gia các hoạt động.
Cung cấp, giới thiệu những tư liệu cần thiết, liên quan đến hoạt động GDNGLL cho HS, tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành, tinh thần, thái độ và đề cao trách nhiệm và quyền lợi của HS khi tham gia các hoạt động.
“Cũng cần có biện pháp kiểm tra, theo dõi, đánh giá kết quả, khen thưởng, động viên kịp thời đối với những HS có thành tích tốt trong các hoạt động. Tăng cường vận động, thuyết phục, kích thích lòng nhiệt tình và sự say mê hoạt động trong HS, đồng thời nghiêm khắc xử lý những đối tượng có hành vi chây lười, làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục chung” – cô Lê Thị Nguyệt cho hay.
Hải Bình (ghi) - Nguồn: GDTD