Tấm gương sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh
Rời Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu) sau 10 năm giữ cương vị hiệu trưởng, năm 2012, cô giáo Lê Thị Nguyệt nhận trọng trách hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục (Yên Mỹ) mang theo sự tận tụy, tâm huyết của một nhà giáo, sự năng động, sáng tạo và những kinh nghiệm trong công tác quản lý.
Cô giáo Lê Thị Nguyệt |
Nhìn ngôi trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đủ điều kiện để phát huy hết khả năng, thương học trò hai buổi đến trường nhưng chưa được học tập ở môi trường tốt, điều đầu tiên cô hiệu trưởng Lê Thị Nguyệt nghĩ tới là phải xây dựng Trường THPT Triệu Quang Phục sẽ là một ngôi trường khang trang, sạch đẹp, giáo viên sẽ được làm việc trong một khí thế thi đua sôi nổi và học sinh sẽ trở thành những con người năng động, tích cực.
Bắt tay vào việc, sau họp bàn ban giám hiệu, các đoàn thể và giáo viên trong trường, kế hoạch phát triển trường được xây dựng một cách khoa học, từng bước, từng nhiệm vụ đi cùng giải pháp, con người thực hiện kèm theo… Có lẽ khó ai có thể hình dung rằng, sau 2 năm cô Nguyệt nhận vị trí hiệu trưởng, Trường THPT Triệu Quang Phục được công nhận đạt chuẩn quốc gia (sớm hơn kế hoạch 1 năm) trong niềm vui của cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường và sự nể phục của đồng nghiệp trong tỉnh.
Những ngày tháng mới nhận nhiệm vụ mới, cô gặp gỡ, báo cáo với lãnh đạo huyện Yên Mỹ, đề nghị được huyện hỗ trợ kinh phí tu sửa các công trình phụ trợ, cảnh quan cho nhà trường... Cổng trường, sân trường được chỉnh trang, xây mới; vườn hoa, cây xanh được quy hoạch, mang đến diện mạo mới cho ngôi trường... Hình ảnh cán bộ, giáo viên với Tết trồng cây mùa xuân tại khuôn viên trường đã trở nên quen thuộc. Trên từng diện tích đất được tận dụng, cải tạo, cô Nguyệt cùng cán bộ, giáo viên mang mùa xuân về nơi đầy ắp yêu thương trên những khóm hoa mới trồng. Tình yêu thiên nhiên của cô Nguyệt lan tỏa đến các thầy, cô giáo, bồn hoa cứ thế hiện ra ở từng lối đi, gốc cây, quanh sân trường.
Trường cũng hoàn thiện phòng lab hiện đại phục vụ việc dạy và học môn ngoại ngữ, nhà thí nghiệm thực hành với đầy đủ trang thiết bị phục vụ thực hành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ. Ngoài danh mục các thiết bị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường trang bị thêm máy tính xách tay cho tổ chuyên môn. Ngoài ra, nhờ vào xã hội hóa giáo dục, nhà trường đã hoàn thiện sân vận động dùng cho các hoạt động thể dục thể thao, tăng cường thể lực cho học sinh.
Là người đứng đầu, cô Lê Thị Nguyệt luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ giáo viên trong nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trên hết, có tác động sâu sắc đến ý thức rèn luyện, phương pháp và kết quả học tập của học trò, mang niềm tin đến các phụ huynh học sinh. Vì vậy, cô Nguyệt luôn quán triệt đến đội ngũ giáo viên cần tích cực và sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành; quán triệt những quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo; chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm túc những biểu hiện vi phạm về đạo đức nhà giáo; tuyên dương những nhà giáo tiêu biểu về trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu. Đồng thời chăm lo đến đời sống của nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để nhà giáo yên tâm làm việc và cống hiến cho giáo dục. Cùng với đó, cô đặc biệt quan tâm bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, chú trọng quản lý việc đổi mới cách soạn giáo án, việc đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức, kết hợp thành công giữa cách dạy mới với cách học mới; đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh cho phù hợp với phương pháp dạy học mới; đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn…
Trong hoạt động dạy học, cô luôn giữ quan điểm: Học trên lớp là chính, học thêm là phụ; hạn chế tình trạng học sinh phải đi học thêm. Vì vậy, cô chú ý việc dự giờ, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc lên lớp của giáo viên.
Các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước hoặc quốc tế, học sinh được tham gia các hoạt động ngoài giờ như ngày hội đọc sách, tìm hiểu nét văn hóa các nước khu vực Đông Nam Á; tổ chức tìm hiểu các điệu nhảy, bài hát, tác phẩm văn học và nét văn hóa Nga nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga; sưu tầm, sáng tác, trưng bày tranh, ảnh về bảo vệ môi trường; về giá trị văn hóa, lịch sử của Phố Hiến - Hưng Yên... Quà khen thưởng cho học sinh khá, giỏi cũng là những cuốn sách mang tính giáo dục cao về đạo đức, nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn…
Cô Nguyệt tâm sự: “Tôi luôn tự hào về các thầy, cô của mình, mái trường mình đã học, mái trường mình đã giảng dạy để truyền tình yêu cho các thế hệ học sinh. Tôi thật sự trân quý các thầy, cô giáo hết lòng vì học sinh ở mọi miền Tổ quốc, các em học sinh nỗ lực có thành tích cao để truyền cảm hứng đến đội ngũ và học sinh trong trường”.
Sự sáng tạo, quyết liệt của nữ hiệu trưởng Lê Thị Nguyệt đã góp phần quan trọng đem lại những kết quả rõ nét bằng chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục mũi nhọn, đại trà của nhà trường được các cấp, ngành ghi nhận... Cả một quãng đường dài cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, cô hiệu trưởng Lê Thị Nguyệt trở thành điển hình của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, là địa chỉ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho nhiều thầy, cô giáo, các nhà trường.
Đào Doan/Baohungyen.vn