• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HƯỚNG NGHIỆP ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

Nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng quyết định đến tương lai của mỗi cá nhân. Vài năm trở lại đây, mỗi mùa thi Đại học đến là lúc các học sinh không chỉ bị áp lực học tập, thi cử mà còn rất căng thẳng trong việc chọn ngành, chọn nghề và chọn trường sao cho phù hợp với năng lực bản thân, xu thế xã hội và các yếu tố ngoại cảnh như tài chính gia đình. Một phần của điều này là do định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT còn rất hạn chế và yếu kém dẫn đến việc các em học sinh không có được định hướng tốt nhất cho tương lai của mình. Thấu hiểu được những điều trên, sáng thứ 2 ngày 05/04/2021, Ban Giám hiệu trường THPT Triệu Quang Phục chỉ đạo các thầy cô trong nhà trường tổ chức một buổi hướng nghiệp mà những người tư vấn viên chính là các thầy cô giáo viên chủ nhiệm trong trường, đại diện là cô Lê Thanh Miện và cô Lê Thị Thùy.

Theo cô Lê Thanh Miện, các học sinh trung học phổ thống muốn có được định hướng nghề nghiệp tốt phải hội tụ đủ ba yếu tố: Thứ nhất là đam mê, yêu thích và tâm huyết để theo đuổi, khám phá ngành nghề mình yêu thích. Thứ hai là năng lực, thế mạnh của bản thân. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, là sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động và định hướng chuyên nghiệp ngay từ khi còn học đại học hoặc trường dạy nghề, ngành nghề đó liệu có đem lại cơ hội cạnh tranh cho các em học sinh trong quá trình tim kiếm việc làm sau này hay không.

 

Để giúp đỡ học sinh trường THPT Triệu Quang Phục, đặc biệt học sinh khối lớp 12, cô Lê Thanh Miện đã đưa ra 5 bước cơ bản trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông

Bước 1: Thầy cô cha mẹ nên định hướng cho học sinh hiểu bản thân các em muốn theo đuổi ngành nghề gì, muốn làm việc như thế nào? Không nên cố ép các em học sinh phải đi theo hướng nghề nghiệp đang “hot” vì quan niệm rằng nghề này sau này sẽ có cơ hội hơn các nghề nghiệp khác, hoặc bắt ép con em mình phải chọn lựa nghề nghiệp theo truyền thống gia đình. Trên hết nghề nghiệp mà một cá nhân theo đuổi phải phù hợp với năng lực, sở thích và khả năng đáp ứng của một cá nhân bởi lẽ công việc là tương lại là định hướng suốt cả cuộc đời của một con người.  Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông nên dựa trên sở thích sau đó là tính cách, năng khiếu và điều kiện gia đình của mỗi học sinh. Sau đó, các em học sinh có thể chọn ra một số nghề nghiệp thích hợp để khoanh vùng và nghiên cứu. Sau đó chọn ra một ngành phù hợp nhất để học hỏi, theo đuổi.

Bước 2: Các em học sinh cần xác định năng lực học tập và điều kiện hiện tại của mình có hợp với nghề không. Căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành mà các em định theo học hoặc các năng khiếu mà mình có (như múa, vẽ, ca hát) để có hướng đi phù hợp cho bản thân. Ngoài ra phải xem xét đến điều kiện hiện tại của các em có phù hợp với nghề sẽ chọn không? (Ví dụ như điều kiện kinh tế của gia đình, ngoại hình, sức khỏe) Theo cô, các em học sinh cũng có thể tìm đến các chuyên gia hướng nghiệp tư vấn để xem năng lực của bản thân có thực sự phù hợp với ngành nghề mà mình đã lựa chọn hay không. Nhận được lời khuyên từ những chuyên gia là một phương thức hữu hiệu trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Đội ngũ chuyên gia giỏi có thể đưa ra lời khuyên hữu ích cho các em học sinh.

Bước 3: Sau khi đã chọn được nghề mình mong muốn theo đuổi, các em phải tận dụng các cơ hội có được làm một số việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để xem thử năng lực, tính cách của bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không. Cũng như để rút ra kinh nghiệm và để xem cách mọi người xung quanh nhận xét về kết quả lao động của những công việc đó như thế nào từ đó nhận ra liệu có thực sự yếu thích và phù hợp với công việc đó hay không và nếu có mắc sai lầm cũng biết cách điều chỉnh và rút ra kinh nghiệm để hoàn thiện tốt hơn. Ví dụ: Nếu yêu thích nghề nhà báo các em có thể thử sức làm cộng tác viên cho các tạp chí dành cho tuổi học trò…Nếu yêu thích các khối ngành xã hội hãy thử tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động từ thiện để nâng cao hiểu biết. Cha mẹ các em học sinh có thể giúp cho định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT bằng cách đưa ra các lời khuyên và gợi ý các hoạt động mà các em có thể tham gia nhằm giúp các em có bước đầu làm quen với nghề mà em có ý định lựa chọn.

Bước 4: Tìm hiểu về nghề mình sẽ chọn. Các em có thể tiếp cận kiến thức bằng nhiều cách, từ internet, từ sách vở, từ các bậc tiền bối đàn anh đàn chị đi trước, tham gia các hoạt động ngoại khóa có liên quan đến nghề nghiệp, tham khảo những lời khuyên bổ ích từ gia đình, nhà trường hoặc từ các nhà tư vấn hướng nghiệp. Những kiến thức em cần phải nắm về nghề của mình là: tên ngành học là gì, những trường nào đào tạo, đào tạo chương trình ra sao, học xong các em sẽ trở thành người như thế nào, thi khối gì, thị trường việc làm của nghề đó hiện nay…Các em có thể tìm đến các diễn đàn của trường mà mình định thi vào để tra cứu thông tin cũng như nhận được những lời chia sẻ của các sinh viên và cựu sinh viên của trường, sau đó có thể tự mình đưa ra những nhận định về thuận lợi và khó khăn của ngành nghề mà mình đang có ý định chọn.

Bước 5: Sẵn sàng chuẩn bị phương án hai nếu chẳng may thất bại. Rất có thể các em học sinh sẽ không thể đỗ vào trường Đại học mà mình mong muốn. Cha mẹ các em nên là người chuẩn bị sẵn tinh thần cho các em và các em học sinh cũng cần hiểu rằng Đại học không phải là tất cả. Các em vẫn có thể thành công bằng những con đường khác. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT không chỉ đơn giản là chuẩn bị cho các em kiến thức mà còn là định hướng tâm lý cho em học sinh nếu chẳng may các em thất bại hoặc vấp ngã. Nếu có quyết tâm các em học sịnh có thể tiếp tục ôn tập và thi lại vào các trường đã đặt ra mục tiêu từ đầu hoặc lựa chọn một hướng đi khác phù hợp với năng lực của mình hơn.

         Để mở rộng ý tưởng cho học sinh còn chưa tìm được định hướng nghề nghiệp, cô Lê Thị Thùy cũng đã đưa đến học sinh những hiểu biết sâu sắc hơn về khối ngành Công nghệ thông tin và Thương mại điện tử tại các trường Đại học trong khu vực miền Bắc và tỉnh Hưng Yên.

         Đầu tiên, đối với nhóm ngành Công nghệ thông tin, một khối ngành rất có triển vọng trong tương lai, cô đã đưa cho học sinh cái nhìn tổng quan về chất lượng, điểm đầu vào, học phí của các trường Đại học Bách khoa, Đại học FPT, Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Sư phạm kĩ thuật Hưng Yên. Đồng thời, cô còn giúp học sinh trả lời câu hỏi “Học CNTT, ra trường sinh viên sẽ làm gì, ở vị trí nào, mức lương ra sao?”

         Tiếp đó, một nhóm ngành cũng rất “hot” được cô tư vấn đó là Thương mại điện tử, một nhóm ngành mà đang thiếu hụt nhân lực trẻ, có trình độ cao nghiêm trọng. Với nhóm ngành này, các trường được cô nêu tên chính là Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mai, Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm kĩ thuật Hưng Yên. Cô cũng đưa đến học sinh những gợi ý về các trang Thương mại điện tử phát triển đang thiếu hụt nhân lực như Lazada, Shopee hay Tiki.

         Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng sự nhiệt  huyết và tận tâm của các cô sự tương tác của hơn 900 học sinh đã đem đến một buổi hoạt động hướng nghiệp sôi nổi, bổ ích. Đối với các bạn học sinh lớp 12, chỉ còn vài tháng để cố gắng và vẫn đang chật vật trong việc định hướng tương lai thì đây chính là cơ hội hữu ích cho các bạn hỏi và chia sẻ.

 


Tác giả: Lê Thanh Miện -Phương Linh 12A1
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website