• :
  • :
Trường THPT Triệu Quang Phục nhiệt liệt hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia 10.10.2024
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau 8 tuần đầu tiên của năm học 2019 - 2020, cô giáo Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục (Yên Mỹ) có buổi đối thoại trực tiếp với đại diện các lớp học trong toàn trường. Theo cô Nguyệt việc tổ chức đối thoại để các thầy giáo, cô giáo được thấu hiểu các học trò hơn, lắng nghe những tâm tư, tình cảm, mong muốn của các em đối với các thầy, cô giáo, với nhà trường. Từ đó nhà trường sẽ có sự điều chỉnh phù hợp nếu những ý kiến hợp lý với mục đích để các em được yêu thương, an toàn và tôn trọng nhiều hơn, để cùng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của trường, của thầy, cô và của học trò.
 

Buổi đối thoại giữa hiệu trưởng và học sinh tại trường THPT Triệu Quang Phục (Yên Mỹ)
Buổi đối thoại giữa hiệu trưởng và học sinh tại trường THPT Triệu Quang Phục (Yên Mỹ)

Trường THPT Triệu Quang Phục được chọn làm thí điểm xây dựng trường học hạnh phúc trong tỉnh. Cô giáo Nguyệt chia sẻ, một trường học hạnh phúc là ở đó, mối quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, thầy, cô với học trò, giữa học sinh với nhau đáp ứng được những giá trị cốt lõi, đó là yêu thương, an toàn, tôn trọng. Các tiêu chí cốt lõi này nó bao hàm rộng trong mọi hoạt động của trường từ công tác quản lý, điều hành, dạy học, kiểm tra, đánh giá, hoạt động ngoài giờ lên lớp... Trên cơ sở thực hiện các tiêu chí, trường học hạnh phúc trở thành công cụ phát huy đầy đủ năng lực, phẩm chất của học sinh, mang lại niềm hạnh phúc cho cả thầy và trò. 


Trường học hạnh phúc là khái niệm trước đây đã có và được thực hiện thông qua các cuộc vận động, như xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, tình thương, kỷ cương và trách nhiệm; xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch; trường học thân thiện, học sinh tích cực. Với khái niệm Trường học hạnh phúc hiện nay, theo UNESCO gồm 22 tiêu chí, nhưng có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Thầy giáo, cô giáo quan tâm đến đồng nghiệp, quan tâm đến học trò và học sinh quan tâm đến nhau, có sự thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ nhau những thuận lợi, khó khăn riêng. Trong trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần cho cả thầy, cô giáo và học sinh; tôn trọng sự khác biệt, sự sáng tạo của mỗi học sinh, tạo sự đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.


Hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh phát động kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đồng chí Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo là việc làm thường xuyên, liên tục của các nhà trường và của mỗi cán bộ, nhà giáo. Tuy nhiên, để hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc thực sự, đội ngũ cán bộ, nhà giáo cần đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo trong nhận thức và hành động, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành, tiến tới chấm dứt các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, văn minh. “Trường học hạnh phúc” chỉ được tạo nên trên cơ sở các hành vi ứng xử chuẩn mực của những thầy giáo, cô giáo có đạo đức trong sáng, lòng yêu nghề và sự tận tâm, tận lực với các học sinh thân yêu vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thời gian gần đây, nhiều trường học đã thay đổi để xây dựng những giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Một số nhà giáo có trách nhiệm, tâm huyết với nghề vẫn tự giác, tự nguyện tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để trau dồi năng lực cho bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành. 


Để có được trường học hạnh phúc, đòi hỏi các thầy giáo, cô giáo làm công tác quản lý không chỉ giỏi quản lý mà còn phải truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho giáo viên và học sinh. Các thầy giáo, cô giáo tích cực học tập và hiểu biết sâu sắc hơn về tâm lý giáo dục, tâm lý lứa tuổi học sinh các bậc học; thấu hiểu, tôn trọng và từ đó yêu thương học trò. Các thầy giáo, cô giáo phải biết chuyển hóa cảm xúc và giúp các em biết chuyển hóa cảm xúc từ tiêu cực thành tích cực; khi học trò đến trường các em có những niềm vui, sự thân thiện, được dạy dỗ có chất lượng, an toàn về mọi mặt. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh việc tuyên truyền nhân rộng những điển hình tiên tiến, những hành vi đẹp, những việc làm tốt của các thầy giáo, cô giáo. Việc triển khai kế hoạch phải được thực hiện trên tinh thần mang lại cho giáo viên niềm vui, sự tự tin, tự hào nghề nghiệp, mang lại những điều mà giáo viên đang cần, đang thiếu; tạo cơ hội cho giáo viên làm tốt nhiệm vụ của mình.

Đào Doan 

Nguồn: Báo Hưng Yên.


Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản
Video Clip
Liên kết website